Khi trồng Cây Cảnh, Cây Bóng Mát… nhiều khi cần đào, đánh để chuyển vị trí các loại cây nhiều năm tuổi, có kích thước lớn sẽ nhanh có được không gian xanh, nhanh chóng có bóng mát, giúp rút ngắn thời gian chăm sóc mà vẫn có được vẻ đẹp cảnh quan như ý. Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc về kỹ thuật bứng chuyển vị trí Cây Kè Bạc có tỷ lệ sống cao.
Kỹ thuật bứng Cây Kè Bạc
Cây Kè Bạc trước khi đánh chuyển thường không cần phải đôn đảo cây trước mà trực tiếp đánh chuyển cây đem đi trồng tại vị trí mới.
Bước 1: Cắt tỉa cành lá tạo dáng cho tán cây trước khi bứng chuyển
Trước khi bứng Cây Kè Bạc, ta có thể cắt bỏ một số tàu lá cho tán gọn lại để tránh cho cây nặng nề trong quá trình bứng và hạ cây. Sau khi bứng cây và bó bầu xong, hạ cây xuống ta tiếp tục sửa lại các tán lá cho phù hợp với từng điều kiện vận chuyển đến nơi ươm trồng mới.
Bước 2: Đánh bầu
Ta tiến hành đánh dấu một vòng tròn xung quanh thân cây cách gốc cây từ 50-60cm tùy thuộc từng cây và đường kính gốc cây. Tạo bầu cây có hình dạng thang. Tùy theo từng loại cây và kích thước cây để xác định kích thước bầu khác nhau: đường kính gốc > 28cm bầu cây có đường kính > 90 cm và có chiều cao bầu > 80cm.
Ta dùng cuốc, xẻng, xè beng… phải thật sắc tiến hành đào đất và cắt rễ nhỏ, dùng rùi và cưa tay sắc cắt các rễ lớn sao cho thật tròn đều, thật nhẵn ở các đầu cắt. Cứ như vậy tiến hành lần lượt từ trên xuống dưới đến khi nào đủ độ sâu bầu thì thôi. Chú ý hình dáng bầu phải cần đều, tốt nhất là kiểu bầu hình chum. Trước khi cắt rễ cái và rễ to của cây thì phải dùng cọc chống cố định cây hoặc dùng cần cẩu giữ cây không để cho cây đổ.
Trong quá trình đánh bầu ta dùng các loại thuốc kích thích ra rễ trộn lẫn với bùn non xoa xung quanh bề mặt ngoài những đốt rễ cây vừa bị chặt đứt: Dùng thuốc chế phẩm giâm chiết cành 10cc/lọ với tỷ lệ 5 lọ/1kg bùn non sau đó trát lên phần rễ bị chặt quanh đầu. Ta hòa thuốc ABA.247.NHO ( 10 đến 12 giọt cho vào bình 5 lít) xịt đều xung quanh bầu cây.
Chú ý: Kè Bạc có bộ rễ chùm, rễ có dạng hình ống nên khi đánh bầu tránh để rễ dập nát và chú ý trước khi đánh cần đánh dấu hướng đông – tây.
Đánh bầu cho Cây Kè Bạc
Bước 3: Bó bầu
Ta dùng lưới, dây bọc, dây cao su để bó bầu, khi thực hiên tránh làm vỡ bầu. Đầu tiên ta dùng lưới van để cố định bầu cây, sau đó dùng dây bọc đan theo kiểu mắt cáo luồn từ đáy bầu lên trên và cột chặt vào gốc cây tạo liên kết mắt võng vòng chặt chẽ tránh vỡ bầu khi vận chuyển đến nơi trồng mới. Bầu được bó theo hình đai mắt võng theo kích thước: ngang bầu hàng cách hàng từ 15-20cm, dọc bầu hàng cách hàng 10-20cm.
Ta bó thân, bó cành: Đặt thân cây nằm nghiêng, dùng dây thừng bằng sợi gai mềm quấn sát nhau và chặt xung quanh thân cây từ gốc đến điểm phân cành đầu tiên. Những cành to trên thân cũng được quấn thừng 1 đoạn khoảng 40-50cm. Dây thừng quấn quanh thân cành có tác dụng làm giảm sự khô của vỏ nhờ làm giảm quá trình thoát hơi nước và tránh làm tổn thương vỏ trong quá trình bốc dỡ vận chuyển
Bước 4: Quá trình bốc dỡ và vận chuyển Cây Kè Bạc
Với những cây có kích thước nhỏ hoặc trung bình ta có thể thực hiện bằng phương pháp thủ công, chú ý tránh va đập rơi vỡ khi di chuyển luôn để bầu cây đi trước. Trên xe cây phải xếp nghiêng, phải để bầu cây phía trước thùng xe, cành lá phía sau, những bộ phận tiếp giáp vật cứng phải lót vải mềm cẩn thận để tránh xây sát vỏ cây. Nếu để đứng phải buộc thật chặt cả bầu cây và thân cây
Quá trình bốc dỡ và vận chuyển Cây Kè Bạc
Dùng cẩu chuyên dùng để cẩu cây: dùng cáp vải hoặc cáp sắt để buộc vào cây, chỗ nào cố định cáp vào thân cây hoặc cành cây phải lót chăm dạ đóng nẹp tre , gỗ để tránh toạc cành toạc vỏ cây (tránh tổn thương thân cây), tuyệt đối chú ý không được làm vỡ bầu cây trong khi cẩu cây lên xe vận chuyển. Trên đường vận chuyển xe phải đi với tốc độ vừa phải, tránh ổ gà, đảm bảo giữ bầu cây không bị vỡ.
Lưu ý, khi bứng cây giống ra ngoài trồng ta cần trồng cây giống ngay xuống đất, không nên để cây giống qua đêm.